Cửa sổ 90 ngày hoãn thuế quan và cơ hội từ hiện tượng “frontloading”
Posted on: 15/05/2025
Ngay sau đó, các doanh nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc và Việt Nam, đã tăng cường xuất khẩu để tận dụng thời gian "cửa sổ" này nhằm giảm thiểu các tác động từ việc áp thuế.

Chỉ số giá cước World Container Index tăng mạnh cả giai đoạn 2018 (trái) và 2024 (phải) (Nguồn: Drewry)
Hội thảo C2C do Công ty Chứng khoán HSC tổ chức vào ngày 24/4/2025 với chủ đề “Gemadept: Vững tâm thế - Giữ tăng trưởng” đã phân tích hiện tượng "frontloading" trong ngắn hạn, đồng thời đưa ra các dự báo về triển vọng phát triển dài hạn của Gemadept – một trong những doanh nghiệp đầu ngành cảng biển và logistics tại Việt Nam.
Hiện tượng “frontloading” và vai trò trong logistics
"Frontloading" là chiến lược thúc đẩy nhập khẩu trước các thay đổi chính sách không mong muốn, như tăng thuế hoặc đình công lao động, nhằm đảm bảo hàng hóa được vận chuyển đúng thời gian, giảm thiểu rủi ro và tối ưu chi phí. Hiện tượng này đã được ghi nhận nhiều lần trong quá khứ, như giai đoạn Mỹ tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc (2018–2019) hoặc từ tháng 4 đến tháng 8/2024, khi Mỹ áp thuế cao đối với thép, nhôm, xe điện, pin, và chất bán dẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, với tổng kim ngạch đạt 18 tỷ USD.
Tháng 4/2025, Mỹ tiếp tục áp thuế quan đối ứng cao đối với nhiều đối tác thương mại lớn, bao gồm Trung Quốc và Việt Nam, với mức thuế cơ bản là 10%. Riêng Việt Nam đối diện mức thuế bổ sung lên đến 46%, đang trong quá trình đàm phán. Điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động "frontloading", khiến nhu cầu và giá cước vận tải hàng không, hàng hải tăng vọt, đặc biệt trên tuyến Việt Nam – Mỹ.
Ví dụ, Apple đã thuê 5 máy bay vận chuyển 600 tấn iPhone từ Ấn Độ và Trung Quốc về Mỹ để tránh các mức thuế cao sắp được áp dụng. Giá cước vận tải tuyến Việt Nam – Mỹ đã tăng 20% chỉ trong tháng 4/2025.

Giá cước vận tải Việt Nam – Mỹ đi bờ Tây (đỏ) và bờ Đông (xanh) tăng mạnh
Hiệu ứng thương mại và logistics của Việt Nam
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 4/2025 đạt 16,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tăng 15%, đạt 18,7 tỷ USD, nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất trong giai đoạn hoãn thuế.
Dự báo, xuất khẩu sang Mỹ trong quý II/2025 sẽ tiếp tục tăng mạnh do ảnh hưởng của "frontloading". Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cảng biển và logistics tại Việt Nam hưởng lợi từ sản lượng và giá dịch vụ tăng.
Triển vọng dài hạn ngành cảng biển và logistics
Mặc dù thu nhập ngắn hạn từ "frontloading" là tích cực, nhưng rủi ro từ thuế quan cao của Mỹ vẫn hiện hữu. Triển vọng dài hạn phụ thuộc vào:
-
Mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa.
-
Tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các quốc gia khác.
Dù vậy, kinh tế Việt Nam và ngành logistics vẫn duy trì triển vọng khả quan nhờ lợi thế chi phí lao động thấp, dân số trẻ, vị trí địa lý chiến lược, và mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước ngày càng linh hoạt trong ứng phó với biến động chuỗi cung ứng, đồng thời tích cực mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ.
𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬